Trang chủ / Blog / Công Nghệ Phát Triển Nuôi Tôm Bền Vững

Công Nghệ Phát Triển Nuôi Tôm Bền Vững


- Trong hai ngày 27 và 28/4, trong khuôn khổ của Hội chợ triển lãm Công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ hai, năm 2018 (VietShrimp 2018), tổ chức tại Bạc Liêu đã diễn ra hai phiên hội thảo với chủ đề “Khoa học công nghệ phục vụ nuôi tôm công nghệ cao” và “Phát triển nuôi tôm bền vững”. Hội thảo đã thu hút sự quan tâm theo dõi của các chuyên gia trong và ngoài nước, các nhà quản lý, doanh nghiệp và bà con nuôi tôm khu vực ĐBSCL.

CÔNG TY CỔ PHẦN THỦY SẢN CHÂU ÂU
Toàn cảnh Hội thảo diễn tổ chức tại Bạc Liêu

Hội thảo một với chủ đề “Khoa học công nghệ phục vụ nuôi tôm công nghệ cao” với sự chủ trì của TS Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, TS Phạm Anh Tuấn, Trưởng Ban khoa học VietShrimp 2018. Hội thảo hai với chủ đề “Phát triển nuôi tôm bền vững” dưới sự chủ trì của TS Phan Thanh Lâm, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II, TS Lê Thanh Lựu, Trưởng ban Hợp tác quốc tế Hội Nghề cá Việt Nam. Trong hai ngày diễn ra hội thảo đã có nhiều báo cáo tham luận của các chuyên gia, nhà nghiên cứu được trình bày với những thông tin chuyên sâu, có hàm lượng công nghệ cao, cung cấp nhiều thông tin cho các hộ nuôi tôm.

 

TS Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, ngành tôm Việt Nam những năm qua đã có bước phát triển mạnh, đạt được nhiều thành tựu lớn, đóng góp vào sự phát triển chung của ngành thủy sản. Tuy nhiên, bên cạnh đó, sự phát triển này cũng còn gặp không ít những thách thức cần phải vượt qua. Đó chính là nguồn tôm bố mẹ chưa ổn định, kỹ thuật ương tôm giống còn hạn chế, vấn đề dịch bệnh, tác động yếu tố môi trường...

 

Hướng đến công nghệ cao là giải pháp được đưa ra để ngành tôm hướng đến sự phát triển bền vững. Như chia sẻ của ông Nguyễn Việt Thắng, Trưởng Ban tổ chức VietShrimp 2018, cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ trong nuôi tôm bằng việc ứng dụng công nghệ cao, hình thành chuỗi sản xuất hiệu quả.

 

Trình bày tại Hội thảo, TS Trần Hữu Lộc, Giám đốc phòng Nghiên cứu bệnh học thủy sản Shrimpvet đã giới thiệu về “Phương pháp phòng ngừa bệnh trên tôm nuôi” nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu. Theo đó, một số giải pháp được đưa ra đó là: Lựa chọn tôm giống sạch bệnh, có chất lượng; Kiểm tra ao nuôi trước thả giống bằng phương pháp PCR; Thiết lập hệ vi sinh - tảo cân bằng trước khi thả giống và cần được duy trì suốt vụ nuôi; Thực hiện ương tôm, nuôi 2 giai đoạn; Bổ sung sản phẩm vi sinh đường ruột, thức ăn ngừa bệnh. Trong đó, sử dụng các sản phẩm có chứa dòng vi khuẩn Bacillus được đánh giá là có tiềm năng lớn giúp tăng khả năng chống lại vi khuẩn gây bệnh.

CÔNG TY CỔ PHẦN THỦY SẢN CHÂU ÂU
Các chuyên gia trong và ngoài nước đến tham dự Hội thảo

Các báo cáo tại hội thảo đã cung cấp và chia sẻ thông tin về một số vấn đề chính trong nuôi tôm hiện nay như: dịch bệnh, sản xuất tôm giống, phát triển tôm bố mẹ, tiến bộ khoa học, ứng dụng công nghệ cao, chuỗi liên kết sản xuất... Các chuyên gia và đại biểu tham dự đã có những phần thảo luận, giải đáp thắc  mắc và chia sẻ nhiều thông tin hữu ích. Thông qua các phiên hội thảo, người nuôi nắm bắt được nhiều thông tin, công nghệ, giải pháp mới để giúp nuôi tôm thành công và bền vững hơn.

 

Phát biểu tổng kết hội thảo, ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng ban Khoa học VietShrimp 2018 cho biết, trong 2 ngày diễn ra hội thảo đã có 16 báo cáo chuyên đề hiện trạng, định hướng kế hoạch hành động quốc gia phát triển tôm Việt đến năm 2025, thành tựu về tôm bố mẹ, ương nuôi mật độ cao, giải pháp và ứng dụng trong dinh dưỡng cho tôm; các biện pháp phòng trừ dịch bệnh trên tôm, công nghệ vi sinh trong nuôi tôm, nuôi tôm không kháng sinh, định hướng phát triển tôm lúa, tôm rừng… các chủ đề này được người nuôi, chuyên gia đánh giá cao thông qua phần trao đổi thảo luận sôi nổi. Qua đó, nhiều kiến nghị và giải pháp được đưa ra để giúp ngành tôm phát triển hiệu quả và bền vững như: áp dụng nuôi Biosecurity (an toàn sinh học trong nuôi trồng); hiệu quả đảm bảo tôm giống sạch bệnh; Phát triển tôm công nghiệp, thâm canh nhưng chú ý đến vấn đề môi trường, cần có những chế tài xử phạt để phát triển hiệu quả; nuôi tôm sinh thái, quảng canh cải tiến cần được xây dựng là một trong những định hướng ưu tiên trong phát triển tôm Việt Nam; Giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, quản lý vật tư đầu vào...