Sản Lượng Tôm Thế Giới Dự Kiến Vượt 3,5 Triệu Tấn Năm 2018
Theo nhóm nghiên cứu về thị trường tôm tại Hội nghị Thị trường Thủy sản Toàn cầu (GSMC), sự tăng trưởng mạnh từ Ấn Độ và Trung Quốc, sự phục hồi sản lượng từ các nước Mỹ Latinh và châu Á khác sẽ thúc đẩy sản lượng tôm thế giới vượt qua 3,5 triệu tấn năm 2018.
Cùng với sản lượng tăng từ Ấn Độ và Ecuador, sản lượng tôm Việt Nam cũng dự báo tăng trong năm 2018. Trung Quốc, Thái Lan và Indonesia cũng dự kiến phục hồi sản lượng.
Chính phủ Ấn Độ cho biết, sản lượng tôm nước này đạt 497.622 tấn năm 2015/2016 trong khi nhóm nghiên cứu tại GSMC ước tính mức 566.000 tấn năm 2016/2017 và 697.000 tấn năm 2017/2018.
Tăng trưởng sản lượng ở Ấn Độ chủ yếu tập trung ở các khu vực nuôi mới, không tập trung ở các bang sản xuất chính như Andhra Pradesh và Tamil Nadu.
Nhóm nghiên cứu ước tính Ecuador sẽ XK 531.000 tấn năm 2018, tăng từ 469.000 tấn năm 2017.
Năm 2017, sản xuất tôm tại Ecuador không mấy suôn sẻ do thiếu nguồn cung ấu trùng tôm. Tuy nhiên, Ecuador dự kiến tăng sản lượng trong năm 2018, chủ yếu nhờ kỹ thuật cho ăn tốt hơn và một số nơi áp dụng tăng mật độ nuôi.
Chất lượng thức ăn nuôi tôm tốt hơn cộng với việc sử dụng máy cho ăn tự động có thể mang lại năng suất cao hơn cho mỗi ao nuôi.
Nhu cầu từ Trung Quốc là yếu tố thúc đẩy sản lượng tôm tăng ở Ecuador trong khi XK sang Mỹ từ Ecuador giảm. Các nhà chế biến và người nuôi Ecuador thích sản xuất tôm còn đầu để cung cấp cho Trung Quốc hơn là sản xuất tôm bỏ đầu cho thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, sản lượng ở Trung Quốc - thị trường chính của Ecuador dự kiến phục hồi năm 2018 có thể khiến nhu cầu của Trung Quốc đối với tôm Ecuador giảm.
Nhóm nghiên cứu ước tính sản lượng ở Trung Quốc “chạm đáy” năm 2017 với 525.000 tấn và dự kiến sản lượng đạt 625.000 tấn năm 2018.
Sản lượng của Việt Nam được dự báo đạt khoảng 470.000 tấn trong năm 2018.
Indonesia, chủ yếu cung cấp tôm cho thị trường Mỹ, cũng tăng mạnh sản lượng trong năm 2017.
Nhóm nghiên cứu ước tính sản lượng tôm của Indonesia đạt 305.000 tấn năm 2017, tăng từ 230.000 tấn của năm trước đó. Năm 2018, Indonesia có thể tăng sản lượng lên 335.000 tấn. Năm 2011, Indonesia sản xuất được 400.000 tấn tôm.
Sản lượng của Indonesia trong mấy năm tới có khả năng ổn định hoặc tăng nhẹ. Sản lượng của nước này khó quay trở lại được các mức cao cũ vì phải đối mặt với một số vấn đề về bệnh phân trắng.
Dịch bệnh có thể là vấn đề ở Indonesia nhưng với Thái Lan, dịch bệnh không còn là điều đáng lo ngại vì dịch EMS đã được khống chế ở đây.
Thái Lan đã phục hồi sản lượng sau EMS. Các phương pháp nuôi mới cho năng suất cao mà không cần tăng diện tích nuôi.
Mexico cũng là nước đã phục hồi sản xuất tôm sau dịch EMS. Năm 2017, sản lượng nước này đạt 140.000 tấn, tăng từ 120.000 tấn năm trước đó.
Sản lượng của Mexico đang phục hồi dần nhờ nguồn giống bố mẹ được cải thiện với tỷ lệ sống cao hơn và công nghệ nuôi tốt hơn.