Trang chủ / Blog / Xuất Khẩu Cá Tra Vẫn “Nửa Mừng Nửa Lo”

Xuất Khẩu Cá Tra Vẫn “Nửa Mừng Nửa Lo”


Năm nay, kim ngạch XK cá tra được dự báo sẽ tạo đột phá với con số lên tới trên 2 tỷ USD. Tuy nhiên, trên cơ sở kết quả đáng mừng đó, muốn hướng tới phát triển bền vững, ngành sản xuất, XK cá tra sẽ còn phải vượt qua không ít khó khăn, thách thức.

Trung Quốc hiện là thị trường XK cá tra lớn nhất của Việt Nam với khoảng 24% thị phần. 


Khó chồng khó

Báo cáo của Vụ Nuôi trồng Thủy sản-Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho thấy: Từ đầu năm đến nay, ngành cá tra phải đối mặt với khá nhiều khó khăn. Đó là sự khủng hoảng cá tra giống và những rào cản từ thị trường NK. Cụ thể, tại thị trường Hoa Kỳ, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố 9 DN cá tra nằm trong nhóm hưởng mức thuế riêng biệt phải chịu mức thuế chống bán phá giá cao kỷ lục từ 3,87-7,74 USD/kg. Điều này gây không ít khó khăn cho hoạt động XK. Bên cạnh đó, liên quan tới việc đáp ứng yêu cầu của Đạo luật Farm Bill, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cũng đã rút ngắn thời hạn đánh giá tương đương, tổ chức thanh tra thực địa cá tra Việt Nam. Với thị trường EU, XK cá tra tiếp tục giảm sút. Ngoài ra, thị trường Ả rập Xê út tiếp tục tạm dừng NK các sản phẩm thủy sản Việt Nam, trong đó có cá tra… Tại Trung Quốc, dù đang là thị trường tiêu thụ sản phẩm cá tra hàng đầu của Việt Nam song Trung Quốc cũng đang có khả năng trở thành nhà cung cấp cá tra tiềm năng cho thế giới. Đây là một rào cản lớn cho ngành cá tra về sau này.

Liên quan tới vấn đề này, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Hiện nay, mỗi năm, Ấn Độ đã nuôi khoảng 650.000 tấn cá tra, Bangladesh nuôi 450.000 tấn, Indonesia nuôi 110.000 tấn… Trung Quốc cũng đã nuôi và thu hoạch 10.000 tấn cá tra ở Hải Nam, với mật độ nuôi thưa, giá thành thấp. “Điều này cho thấy Trung Quốc có khả năng trở thành nhà cung cấp cá tra tiềm năng trên thế giới. Vì vậy, các cơ quan chức năng cũng như cộng đồng DN cần có giải pháp bảo vệ sản xuất, giữ vững thương hiệu cá tra Việt Nam trên thương trường quốc tế. Ngành cá tra cũng cần chú trọng nâng cao chất lượng hơn nữa, hướng tới sự bền vững nhằm gia tăng cạnh tranh”, ông Hòe nhấn mạnh.

Đại diện Bộ NN&PTNT thông tin thêm: Gần đây, một số trang tin điện tử Rumani đưa tin không chính xác về cá tra Việt Nam cũng gây tác động tiêu cực tới việc XK cá tra Việt Nam sang thị trường này. Mặc dù Rumani là một thị trường nhỏ của XK cá tra Việt Nam nhưng những thông tin giả mạo như trên vẫn gây lo ngại lớn do có thể dễ dàng nổi lên trên các mạng xã hội dẫn đến mất kiểm soát, ảnh hưởng tiêu cực đến không chỉ XK cá tra Việt Nam sang Rumania mà còn sang các nước khác. Hiện nay, VASEP đang tiếp tục theo dõi và tìm hiểu thông tin về sự việc thông qua Tham tán thương mại Việt Nam tại Rumani để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, tránh thiệt hại tới hoạt động XK và hình ảnh sản phẩm chiến lược của quốc gia.


Có thể đạt trên 2 tỷ USD

Bộ NN&PTNT nhận định, dù đối mặt nhiều khó khăn, song nhờ sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Bộ NN&PTNT, lãnh đạo các địa phương cũng như sự vào cuộc của người dân, cộng đồng DN, hoạt động sản xuất, XK cá tra từ đầu năm đến nay vẫn phát triển tốt. Giá cá giống, giá cá nguyên liệu tiếp tục duy trì ở mức cao. Cập nhật đến hết 7 tháng đầu năm, XK cá tra đạt gần 1,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. XK cá tra sang các thị trường chính như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, ASEAN đều tăng trưởng trên 2 con số. Trong đó, XK cá tra sang Trung Quốc tăng mạnh nhất với hơn 41% so cùng kỳ năm trước và chiếm hơn 24% thị phần.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, trong cả năm nay, ngành cá tra có khả năng tạo bước đột phá với kim ngạch XK lên tới hơn 2 tỷ USD. Dù vậy, để phát triển bền vững ngành hàng này còn rất nhiều việc phải làm. Cụ thể, các địa phương phải quy hoạch lại sản xuất từ khâu giống, thức ăn, chăn nuôi, chế biến cho tới XK; đa dạng hóa sản phẩm, ưu tiên hàng giá trị gia tăng, đa dạng hóa thị trường XK…

Xung quanh câu chuyện XK cá tra, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng: Một trong những giải pháp quan trọng nhằm tăng sức cạnh tranh cho cá tra là xây dựng dòng sản phẩm cá tra phi lê chất lượng cao và phát triển nhiều mặt hàng giá trị gia tăng. “Về lâu dài nên nghiên cứu hình thành trung tâm logistics nghề cá cho ĐBSCL tại Cần Thơ. Khu logistics này cần đáp ứng nhu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước và XNK. Trung tâm logistics đạt chuẩn quốc tế sẽ đảm bảo chất lượng sản phẩm cá tra Việt Nam khi tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế…”, ông Quốc nói. Một số chuyên gia nêu quan điểm, với quản lý cá tra, thay vì nhiều cơ quan quản lý từng khâu của chuỗi sản xuất, tiêu thụ cá tra như hiện nay, nên hình thành một cơ quan quản lý thống nhất, toàn diện theo chuỗi…