TÌNH HÌNH XUẤT KHẨU TÔM VIỆT NAM 9 THÁNG ĐẦU NĂM 2024
Mới đây, Hiệp Hội Chế Biến Và Xuất Khẩu Thủy Sản Việt Nam (Vasep) đã công bố báo cáo tổng hợp tình hình xuất khẩu tôm Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay. Đi kèm theo đó là top 5 doanh nghiệp xuất khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam .
Tình Hình Xuất Khẩu Tôm Việt Nam Trong 9 Tháng Đầu Năm 2024
Trong một báo cáo khác về tình hình xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm nay, tôm là loại thủy sản mang về kim ngạch xuất khẩu tốt nhất trong số các sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, đạt 2,8 tỷ USD. Trong cùng kỳ 2023, con số này là 2,5 tỷ USD, đồng nghĩa với việc kim ngạch xuất khẩu tôm tăng khoảng 11,2% so với cùng kỳ.
Kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2024 cao hơn so với cùng kỳ của năm 2023
Các thị trường nhập khẩu tôm chính bao gồm Mỹ, EU, Trung Quốc…, điểm chung là đều ghi nhận mức tăng trưởng cực kỳ khả quan. Tính đến 15/9, thị trường Mỹ ghi nhận 516 triệu USD, tăng 8%. EU đạt 337 triệu USD, tăng 15%. Trung Quốc và Hong Kong ghi nhận 529 triệu USD, tăng 26%. Nhật Bản là thị trường duy nhất có sự giảm nhẹ 1% xuống 342 triệu USD.
Theo Vasep, trong quý IV năm 2024, giá tôm nguyên liệu sẽ tiếp tục tăng trưởng theo dự kiến. Tuy nhiên, nguyên liệu cục bộ có khả năng bị thiếu hụt do Trung Quốc sẽ tăng mua để đáp ứng nhu cầu trong giai đoạn tết Nguyên đán và qua năm mới. Vì vậy, các doanh nghiệp cần quản lý nguồn nguyên liệu để đẩy mạnh sản xuất các đơn hàng cuối năm.
Top 5 Doanh Nghiệp Xuất Khẩu Tôm Hàng Đầu Việt Nam Trong 9 Tháng Đầu Năm 2024
Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm và thủy sản hàng đầu Việt Nam
Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng
Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng - STAPIMEX là một ông lớn trong ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là xuất khẩu tôm của Việt Nam. Với hơn 10.000 tấn tôm xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ năm 2023, STAPIMEX tự hào nằm trong Top 15 nhà cung cấp tôm hàng đầu tại Hoa Kỳ năm 2023 và là đại diện duy nhất đến từ Việt Nam.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú
Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cũng là một trong những doanh nghiệp thuỷ sản hàng đầu Việt Nam. Các sản phẩm của Tập đoàn hiện đang có mặt tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất của CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, sau khi khấu trừ các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 38,4 tỷ đồng, con số này cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Theo công ty, sự tăng lên này chủ yếu do doanh thu bán hàng tăng và hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty nuôi tôm giống của tập đoàn bắt đầu có hiệu quả.
Công ty cổ phần thủy sản Minh Phú - Hậu Giang
Là một công ty thành viên của tập đoàn thuỷ sản Minh Phú, công ty cổ phần thủy sản Minh Phú - Hậu Giang cũng đã được công nhận doanh nghiệp ưu tiên lần đầu năm 2014. Hiện nay, cả nước chỉ có 73 doanh nghiệp đang được áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên trong lĩnh vực hải quan.
Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta
Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta đã công bố sản lượng sản xuất và tiêu thụ tôm thành phẩm chế biến trong nửa đầu năm 2024 lần lượt đạt 11.255 tấn (tăng 20% so với cùng kỳ) và 8.449 tấn (tăng 26% so với cùng kỳ).
Đại diện Thực phẩm Sao Ta cho biết, kết quả tăng trưởng tích cực như trên chủ yếu là nhờ sản lượng tôm tự nuôi tăng và nhu cầu tiêu thụ luôn ở mức ổn định; trong đó, phần lớn đến từ hoạt động xuất khẩu. Phía công ty cũng dự báo rằng trong nửa cuối năm tình hình “dễ thở” hơn.
Công ty Cổ phần chế biến và dịch vụ thủy sản Cà Mau
Đứng cuối trong danh sách này là Công ty Cổ phần chế biến và dịch vụ thủy sản Cà Mau. Đây là một doanh nghiệp chuyên sản xuất, chế biến, và xuất khẩu các sản phẩm thủy sản, đặc biệt là tôm và các loại hải sản khác như mực và bạch tuộc. Công ty có năng lực chế biến khoảng 4.000 - 5.000 tấn tôm mỗi năm.
Kết Luận
Dựa trên tình hình xuất khẩu tôm của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2024, có thể thấy ngành xuất khẩu tôm tiếp tục đạt kết quả tích cực. Dự báo quý IV năm 2024, tình hình xuất khẩu tôm được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì khả quan. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên liệu. Điều này có thể tạo ra sự cạnh tranh gay gắt về nguồn nguyên liệu, làm tăng chi phí sản xuất đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ lưỡng và tận dụng tốt các cơ hội từ thị trường quốc tế, các doanh nghiệp lớn trong ngành vẫn có thể duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ổn định trong thời gian tới.
Nguồn: