KỸ THUẬT NUÔI LƯƠN KHÔNG BÙN CHO NGƯỜI MỚI BẮT ĐẦU: KHỞI NGHIỆP THÀNH CÔNG!
Lươn là đối tượng nuôi mang lại giá trị kinh tế cao và ổn định, đặc biệt với mô hình nuôi không bùn đang ngày càng được ưa chuộng bởi sự tiện lợi và hiệu quả. Nếu bạn là người mới và đang ấp ủ ý định khởi nghiệp với nghề nuôi lươn, bài viết này sẽ là cẩm nang chi tiết giúp bạn nắm vững các kỹ thuật cơ bản nhất để thành công.
Tại Sao Nên Chọn Nuôi Lươn Không Bùn?
Mô hình nuôi lươn không bùn (hay còn gọi là nuôi lươn bể xi măng, bể bạt) mang lại nhiều ưu điểm vượt trội so với phương pháp truyền thống:
- Dễ quản lý: Dễ dàng kiểm soát chất lượng nước, thức ăn, và tình trạng sức khỏe của lươn.
- Tiết kiệm diện tích: Phù hợp với các hộ gia đình có diện tích nhỏ hoặc muốn tận dụng không gian.
- Giảm thiểu dịch bệnh: Môi trường sạch sẽ hơn giúp hạn chế sự phát triển của mầm bệnh.
- Thu hoạch dễ dàng: Quá trình thu hoạch nhanh chóng, ít tốn công sức.
- Kiểm soát chất lượng sản phẩm: Dễ dàng tạo ra sản phẩm sạch, an toàn.
Thiết kế bể nuôi
- Vị trí yên tĩnh, có bóng mát, ít ánh sáng, dễ lấy nước (nên sử dụng nước ngầm) và thoát nước, làm mái và bạt che phủ kín có thể đóng mở hoặc làm giàn trồng cây leo che nắng, gió.
- Bể xi măng mặt trong ốp gạch men (màu vàng sẫm) hoặc hồ lót bạt (để tránh cho lươn bị trầy xướt).
- Bể nuôi nên thiết kế hình chữ nhật, diện tích dao động từ 6-20m2, chiều cao khoảng 0,8-1m, trên thành bể viền các gờ nổi để phòng lươn thoát ra ngoài.
- Đáy bể phải được làm dốc về phía cống thoát để có thể dễ dàng đưa thức ăn thừa, chất bài tiết của lươn khi tháo cạn thay nước. Cống thoát nên được thiết kế bằng ống nhựa PVC được khoan lỗ nhỏ hơn kích cỡ lươn hoặc bọc lưới để tránh lươn bị hút ra ngoài khi thay nước.
- Hệ thống cấp nước nên đặt sát đáy bể và đối diện cống thoát để có thể tận dụng sức nước tống cặn bã về phía cống thoát.
- Bể nuôi lươn nếu xây mới bằng xi măng thì phảo ngâm bể và giá thể ít nhất 1 tuần (thay nước hàng ngày).
- Giá thể cho lươn trú ẩn vừa là “sàn ăn” gồm 3 khung tre/gỗ hoặc ống PVC phi 34 đặt chồng lên nhau chiếm khoảng 1/3 diện tích bể, mỗi khung đóng song song cách nhau 10cm. Khung trên cùng được đan thêm các dây nylon để có thể giữ được thức ăn khi cho lươn ăn.
Chọn giống
- Lươn kích cỡ đồng đều, màu sắc tươi sáng (lưng có màu vàng sẫm, có chấm đen), vận động linh hoạt, không xây xát, thương tổn, mất nhớt.
- Những con lươn có màu nhợt nhạt, có màu vàng xanh hoặc xám tro thì yếu và khó nuôi, tăng trưởng chậm.
- Chất lượng con giống phải thật tốt, kích cỡ giống dao động từ 500 – 1.000 con/kg.
- Lưu ý, khi để lươn vào chậu có nước:
+ Lươn yếu thường ngôi đầu lên cao, mang phình to, thường bị mất nhớt.
+ Lươn rà điện thì ít vận động, lờ đờ, chuyển màu.
+ Lươn bị nhiễm thuốc mồi thì xung quanh hậu môn và nắp mang bị xuất huyết.
Mật độ thả
- Mật độ thả nuôi lươn thịt giai đoạn 1 bình quân 200-300 con/m2, giai đoạn 2 bình quân 150-200 con/m2 (tùy theo năng lực quản lý có thể tăng hơn hoặc giảm đi).
- Trước khi thả giống nên tiến hành sát trùng lươn bằng dung dịch muối có nồng độ 3-5‰ trong thời gian 3 -5 phút hoặc sử dụng HI – PLUS 3ml/m3 nước trong 10 – 15 phút để loại trừ kí sinh và sát trùng vết thương do xây xát trong quá trình đánh bắt và vận chuyển.
Thức ăn cho lươn
Thông thường sử dụng thức ăn có độ đạm 42%, hiện nay giá thức ăn tăng cao cùng với nhiều chi phí tăng, giá lươn thịt lại bị giảm chưa ổn định, nên có thể sử dụng loại rẻ tiền với độ đạm 30-35%, đồng thời trộn them thức ăn bổ sung: VITAPLUS cung cấp các vitamin, khoáng chất tổng hợp, HEALTH LIFE (vắc xin phòng bệnh, tăng cường chức năng gan và tiêu hóa), FIRST (tăng trọng nhanh, săn chắc thịt, màu sắc bóng đẹp, tạo nhiều nhớt linh hoạt, đề kháng cao); Mục đích phòng ngừa bệnh làm hao hụt sản lượng, rút ngắn thời gian nuôi, chi phí sẽ thấp, hạ giá thành sản xuất.
Cách cho ăn:
- Kích cỡ viên thức ăn phải phù hợp với cỡ miệng. Thay đổi kích cỡ thức ăn phải thay đổi từ từ để lươn thích nghi.
- Cho ăn 2 lần/ngày bằng sàn ăn ở 1 vị trí cố định, vào 1 giờ cố định ( bữa sáng là bữa phụ 8-9h và bữa chính lúc 16-18h).
- Sau khi cho lươn ăn 2-3h phải vớt bỏ thức ăn thừa khỏi bể, tránh ô nhiễm môi trường nước. khi trời âm u, mưa, lạnh phải giảm bớt lượng thức ăn.
- Lượng thức ăn: lươn nhỏ (>30 con/kg) 5-8% trọng lượng lươn. Lươn vừa (10-30 con/kg) 3-5% trọng lượng lươn. Lươn lớn (<10 con/kg) 1-3%.
Chăm sóc và nuôi dưỡng
- Hàng ngày quan sát hoạt động của lươn để có biện pháp xử lý kịp thời khi xảy ra sự cố.
- Vớt xác lươn chết và những con có dấu hiệu bị bệnh, bơi lội chậm chạp, hay ngôi đầu lên mặt nước.
- Kiểm tra tăng trưởng của lươn: định kỳ 30 ngày/lần, bắt 30 con đo chiều dài và khối lượng để có căn cứ tính toán lượng thức ăn trong giai đoạn tiếp theo.
- Kiểm tra sức khỏe của lươn: khi phát hiện những dấu hiệu bất thường tiến hành bắt lươn lên kiểm tra, nhận biết các dấu hiệu thay đổi trên cơ thể. Sau đó có thể mổ xem xét nội tạng để chẩn đoán tình trạng bệnh tật của lươn và có biện pháp phòng trị.
- Ðịnh kỳ thay nước 2 – 3 ngày/lần, lượng nước thay tối đa 70% lượng nước nuôi. Mùa hè nhiệt độ cao, thời gian thay nước ngắn hơn (1 ngày/lần).
Thu hoạch: Sau thời gian nuôi, khi lươn đạt kích cỡ thương phẩm thì tiến hành thu hoạch, trước khi thu hoạch nên cho lươn nhịn ăn 1 ngày. Thông thường, cỡ lươn giống thả từ 100 – 300 con/kg, thời gian nuôi từ 8 – 10 tháng lươn có thể đạt được 150 – 250g/con. Cỡ lươn thả 300-500 con/kg thời gian nuôi từ 10 - 12 tháng đạt cỡ 150 - 250g/con.
Cách tiến hành thu hoạch như sau:
- Chọn thời điểm thu hoạch lươn vào sáng sớm hay chiều mát.
- Nên bắt từng mẻ và thu gọn, vận chuyển nhanh.
- Không chuyển lươn với mật độ quá cao làm cho lớp lươn bên dưới bị đè bẹp, dễ bị ngạt và chết.
Nuôi lươn không bùn là một hướng đi đầy tiềm năng, nhưng đòi hỏi sự kiên trì và kiến thức vững chắc, đặc biệt là khâu quản lý chất lượng nước. Hy vọng với những chia sẻ về kỹ thuật cơ bản này, những người mới bắt đầu sẽ có thêm tự tin để khởi nghiệp và đạt được thành công bền vững với mô hình nuôi lươn không bùn.