Trang chủ / Blog / Cẩn Trọng Với Nguồn Nước Xấu Cho Tôm Nuôi Sau Cơn Mưa

Cẩn Trọng Với Nguồn Nước Xấu Cho Tôm Nuôi Sau Cơn Mưa


Hiện nay, mưa chuyển mùa đã bắt đầu ổn định, nhưng ở nhiều nơi trong vùng, nắng nóng vẫn còn rất gay gắt. Trong khi hầu hết các bờ bao ao đầm nuôi tôm đều là bờ đất trơ trụi, độ cao khá thấp so với mực nước, có khả năng dẫn phèn lên bề mặt, khi trời nắng nhiệt độ tăng cao và rửa trôi sau các cơn mưa. Đây là điều rất bất lợi cho con tôm.

CÔNG TY CỔ PHẦN THỦY SẢN CHÂU ÂU
Người nuôi cần cảnh giác tình trạng ô nhiễm, tự gây độc và sốc cho tôm ngay trên ao nhà mình, sau những cơn mưa đầu mùa, do rửa trôi phèn từ đất bờ bao.

 

Nông dân nuôi tôm các địa phương phải hết sức cảnh giác, cần đề phòng ao ruộng nuôi bị nguồn nước ô nhiễm trên bờ trôi xuống và từ ngoài tràn vào sau các cơn mưa lớn. Nhất là ở những nơi gần nhà máy chế biến công nghiệp, hay gần đường nước liên thông với các khu nuôi tôm công nghiệp (NTCN), kể cả nuôi siêu thâm canh (STC), thì càng phải hết sức thận trọng trước khi lấy nước vào.

 

Bởi lẽ, thời gian qua, người dân nhiều nơi trong tỉnh đã phát triển nuôi tôm theo các hình thức mang tính tự phát, phân tán, nhỏ lẻ và chưa được quy hoạch. Việc đầu tư hạ tầng chưa phù hợp và đồng bộ, nên các vấn đề về quản lý, xử lý môi trường đang gặp những khó khăn. Từ đó, nguy cơ gây ô nhiễm lan tỏa cho các vùng nuôi truyền thống bên cạnh, vào thời kỳ đầu mùa mưa, sẽ rất khó tránh khỏi. Và điều đáng lo là qua kiểm tra, khảo sát thực tế của các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau, tại các địa phương trong tỉnh cho thấy, thực trạng ô nhiễm môi trường nước ở nhiều nơi với nhiều cấp độ do NTCN, đã đặt ra nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác quản lý về bảo vệ môi trường. Đặc biệt, ở mô hình nuôi STC, nhiều người nuôi chưa tuân thủ tốt các quy định của tỉnh, việc bố trí hệ thống xử lý chất thải, nước thải, chưa đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định và việc xả thải rất tùy tiện, khó kiểm soát. 

 

Mặt khác, tuy hầu hết các hộ nuôi tôm STC đều có bố trí nơi chứa và xử lý chất thải, nước thải, nhưng lại xử lý không triệt để, diện tích ao chứa chưa phù hợp với quy mô ao nuôi, các công nghệ xử lý ô nhiễm đang áp dụng phổ biến cũng chưa thật sự hiệu quả, an toàn..., thì nguồn nước thải từ các nơi họ xả ra sông rạch liệu đã an toàn thật sự cho con tôm? 

 

Hay như những nơi chứa, nơi trữ lắng nguồn chất thải độc hại ở đâu đó chưa kịp xử lý hay xử lý chưa hoàn chỉnh, lỡ gặp cơn mưa lớn tràn bờ, chất thải hòa vào nguồn nước sông rạch, rồi vào đến vùng nuôi, mà bà con không cảnh giác, lại đưa vào bổ sung cho ao ruộng đang nuôi thì rất nguy hiểm! Ngoài ra người nuôi cũng cần cảnh giác tình trạng ô nhiễm, tự gây độc và sốc cho tôm ngay trên ao ruộng nhà mình, sau những cơn mưa đầu mùa, do rửa trôi phèn từ đất bờ bao, do khí độc nội tại đáy ao đầm tự trồi lên, hòa vào nước... cũng gây nhiều bất ổn cho con tôm.

 

Con tôm nuôi không chỉ tạo ra nguồn thu quan trọng cho ngân sách của tỉnh, mà còn giúp hàng vạn nông dân, công nhân, người lao động trong tỉnh có công ăn việc làm ổn định và còn nhiều lợi ích khác. Các ngành chức năng, đoàn thể và chính quyền các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, để mọi người dân có ý thức tốt về bảo vệ môi trường nước, để tôm nuôi và nghề nuôi tôm luôn được phát triển ổn định và bền vững, tránh rơi vào tình trạng tôm bị ngộ độc, nhất là trong giai đoạn chuyển mùa và sang đầu mùa mưa.

Cẩn Trọng Với Nguồn Nước Xấu Cho Tôm Nuôi Sau Cơn Mưa