Chuẩn Bị Thành Lập Hội Bảo Vệ Và Phát Triển Nguồn Lợi Thủy Sản
- Mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám đã chủ trì một cuộc họp nhằm chuẩn bị thành lập Hội bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Theo đó, Ban vận động thành lập Hội đã được thông qua với 15 đại biểu.
- Những năm gần đây, ngành thủy sản đã gặt hái được nhiều thành quả, tuy nhiên vẫn phải đối mặt với một số tồn tại, bất cập và thách thức như: khai thác thủy sản phát triển tự phát, chưa được kiểm soát; thất thoát sau thu hoạch trong khai thác còn cao; tình trạng đánh bắt bất hợp pháp vẫn còn diễn ra phổ biến: sử dụng các nghề te, xiệp, xung điện, giã cào trong vùng biển ven bờ; ngư cụ kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định, sử dụng nguồn sáng có công suất lớn đã làm suy giảm nguồn lợi thủy sản trên các thủy vực nội địa, vùng biển; việc khai thác, tiêu thụ một số loài nguy cấp, quý, hiếm đã làm cho các loài có nguy cơ tuyệt chủng, các hệ sinh thái thủy sinh tại nhiều nơi đang bị phá hủy; sự phát triển của nhiều ngành kinh tế, du lịch cũng tác động đến việc suy giảm nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản.
- Bên cạnh đó, Luật Thủy sản 2017 được Quốc hội thông qua khi có hiệu lực sẽ cơ bản tháo gỡ các khó khăn trong Luật Thủy sản năm 2003, quản lý nghề cá dựa vào hệ sinh thái, có trách nhiệm, bền vững và hội nhập với quốc tế. Mặt khác, để đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản, cần có tổ chức hội tập hợp các doanh nghiệp, ngư dân, các nhà khoa học cùng chung tay thực hiện công tác bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
- Thực tế, trong lĩnh vực thủy sản thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT đã có một số tổ chức hội/hiệp hội được thành lập và hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản hiện chưa có một tổ chức xã hội, nghề nghiệp nào ở quy mô cả nước để tập hợp, liên kết và hỗ trợ cộng đồng các doanh nghiệp, tổ chức và ngư dân thực hiện các hoạt động bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản.
- Để đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng cấp bách trên, Tổng cục Thủy sản nhận định rất cần phải thành lập Hội Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản. Mục đích của Hội là nhằm tập hợp, liên kết, xây dựng cộng đồng các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, hướng tới khai thác thủy sản bền vững, đóng góp cho sự nghiệp phát triển ngành thủy sản Việt Nam.
- Tại cuộc họp, các đại biểu và đại diện các tổ chức hội/hiệp hội đều nhất trí với ý tưởng này. Các đại biểu cũng góp ý về Ban vận động cũng như tên gọi của Hội trước khi trình lên Bộ Nội vụ. Theo đó, Ban vận động thành lập Hội đã được thông qua với 15 đại biểu.
- Trước đó, để nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, từng bước thực hiện chủ trương xã hội hóa trong quản lý hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Luật Thủy sản 2017 đã quy định về đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Quy định này nhằm tạo cơ sở pháp lý cho Nhà nước giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản – một phương thức quản lý mới được nhiều quốc gia tiếp cận để quản lý hoạt động thủy sản đặc biệt trong hoạt động quản lý nguồn lợi thủy sản.
- Về nuôi trồng thủy sản, Luật đã quy định chi tiết hơn và không bỏ sót các đối tượng nuôi, hình thức nuôi và mục đích của việc nuôi trồng thủy sản. Chẳng hạn như điều kiện đối với việc nuôi trồng thủy sản không vì mục đích làm thực phẩm, cấp phép cho hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển, giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản… Đối với nuôi biển, thời hạn giao khu vực biển được nâng lên là 30 năm và được gia hạn tối đa là 20 năm.
- Về cấp phép khai thác thủy sản, Luật quy định về hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản. Đây là bước tiến mới so với Luật Thủy sản năm 2003 để nhằm phù hợp với pháp luật quốc tế về bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản.
- Căn cứ vào kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản, cụ thể là căn cứ vào trữ lượng, sản lượng khai thác cho phép bền vững để xác định hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản đồng thời phân cấp triệt để việc cấp phép khai thác thủy sản cho UBND cấp tỉnh. Với Luật Thủy sản 2017, ngành thủy sản sẽ chuyển quản lý tàu cá từ công suất (CV) sang quản lý theo chiều dài lớn nhất của tàu. Bên cạnh đó, Luật quy định về xã hội hóa đăng kiểm tàu cá, nhằm huy động được các nguồn lực từ xã hội tham gia đầu tư vào hoạt động này nhằm giảm tải cho cơ quan quản lý nhà nước và tạo thuận lợi cho người dân. Đây là những điểm mới làm cơ sở để hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản hiệu quả, đồng thời cũng là cơ sở hoạt động của Hội Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản khi được thành lập.