Doanh Nghiệp Chia Sẻ Khó Khăn Với Người Nuôi
- Thời gian gần đây, giá tôm thẻ chân trắng ở ĐBSCL giảm mạnh khiến hộ nuôi thua lỗ, một số hộ “treo ao” không dám nuôi trở lại. Thực tế này cũng tác động không nhỏ đến tình hình chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản. Để hiểu rõ hơn tình trạng này, Tạp chí Thủy sản Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP).
Theo ông, nguyên nhân của vấn đề giá tôm giảm hiện nay là gì?
- Có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá tôm giảm: Thứ nhất, các thị trường tiêu thụ lớn còn hàng tồn kho nhưng chưa tới mùa tiêu thụ. Thứ hai, hiện nay các nước có điều kiện nuôi sớm đang vào đợt thu hoạch và khá “trúng”, tại các tỉnh ĐBSCL cũng đang vào vụ thả nuôi chính và tôm thả nuôi mùa nghịch năm nay cũng được mùa nên sản lượng tôm cung cấp ra thị trường khá dồi dào vào cùng thời điểm dẫn đến giá tôm giảm mạnh.
So với diễn biến mọi năm, tình hình giá tôm giảm có phải là bất thường hay không, thưa ông?
- Nếu xét về mặt tổng thể thì tình hình này không có gì là bất thường, cán cân cung cầu luôn là yếu tố quyết định giá cả tôm trên thị trường cũng như giá tôm nguyên liệu. Cho nên, hy vọng sau đợt điều chỉnh của các nước, có thể xu hướng “bắt đáy” sẽ bắt đầu từ giữa tháng 6 khi nguồn cung nguyên liệu giảm mạnh, lúc đó sẽ xuất hiện xu hướng tăng giá trở lại.
- Dự kiến trong đầu quý III, các nước như Ecuador và Indonesia sẽ qua giai đoạn cao điểm thu hoạch, nhưng Việt Nam, Thái lan và Ấn Độ sẽ bắt đầu giai đoạn cao điểm vụ nuôi chính, thời điểm này cũng là lúc các nhà phân phối lớn khởi động kế hoạch mua hàng cho cả năm. Do đó, sắp tới giá tôm sẽ phục hồi, nhưng mức phục hồi của giá không thể bằng năm 2017, có thể giảm xoay quanh 10% so với năm rồi.
- Mặc dù, giá tôm bắt đầu giảm từ tháng 3 đến nay nhưng giá trị xuất khẩu tôm không giảm mà còn có phần tăng so, chỉ tính trong 4 tháng đầu năm 2018 xuất khẩu tôm đạt 1 tỷ USD tăng 14% so cùng kỳ năm 2017.
Theo ông, giải pháp cấp bách cho ngành tôm hiện nay và lâu dài sẽ là gì?
- Giải pháp cấp bách hiện nay là các nhà cung ứng tôm giống, thức ăn, chế phẩm nuôi tôm nên xem xét, giảm giá chia sẻ khó khăn chung của người nuôi tôm. Bên cạnh đó, cũng đề xuất Chính phủ, Bộ NN&PTNT có các chính sách hỗ trợ nhằm động viên các nhà cung cấp đầu vào có cơ chế mua bán với giá cả phù hợp, giúp người nuôi vượt qua khó khăn và ổn định giá thành nuôi tôm trong tương lai.
- Về lầu dài, để nâng tầm giá trị trên thị trường quốc tế, ngành tôm Việt Nam phải có cơ chế phát triển hợp lý, tôm Việt Nam hiện nay còn nhiều vùng nuôi nhỏ lẻ, cho nên nuôi tôm theo quy mô lớn trở thành một nhu cầu cấp thiết và lâu dài. Do đó, cần gấp những mô hình hợp tác hóa trong nuôi tôm cũng như các giải pháp mạnh mẽ cho việc tích tụ đất đai hình thành các trang trại nuôi tôm chuẩn mực quốc tế, bên cạnh đó tôm cần phải được nuôi sạch theo tiêu chuẩn quốc tế như ASC, BAP… Từ đó, có hướng đi trong tái cơ cấu sản xuất nuôi tôm để có kết quả tốt hơn trong dài hạn.
Nhận định của ông về nguyên liệu tôm trong thời gian tới, thưa ông?
Hiện nay, người nuôi tôm ở ĐBSCL đã chuẩn bị ao nuôi sau thu hoạch nhưng đã hoãn việc thả giống do chưa thấy xu hướng quay đầu của giá tôm. Tuy nhiên, nuôi tôm là thu nhập chính của người dân các tỉnh này vì vậy họ sẽ tiếp tục thả nuôi ở mật độ thưa hơn, tiết giảm chi phí đầu tư, giảm rủi ro, kéo dài thời gian nuôi tôm đợi giá tôm phục hồi. Bên cạnh đó, các nước Ecuador và Indonesia qua cao điểm của mùa vụ, nguồn cung giảm và thị trường chuẩn bị vào các tháng tiêu thụ phục vụ cho mùa lễ hội cuối năm tăng cao sẽ giúp giá tôm nhanh chóng phục hồi trở lại.