Hà Tĩnh Phát Triển Nuôi Tôm Công Nghệ Cao
Những năm qua, Hà Tĩnh đã đánh thức và khơi dậy tiềm năng nhiều vùng nuôi tôm thâm canh, công nghệ cao trên cát... mang lại giá trị kinh tế cao trên đơn vị diện tích, đưa con tôm trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh.
Nhiều vùng đất cát hoang hóa trở thành những mô hình nuôi tôm công nghệ cao trên cát
Thực hiện Nghị quyết “tam nông”, Hà Tĩnh luôn xác định tôm là đối tượng nuôi chủ lực mang lại giá trị cao cần tập trung phát triển theo hướng bền vững. Theo đó, đẩy mạnh nuôi tôm công nghiệp, áp dụng công nghệ cao trên cát, nuôi an toàn sinh học và quy trình VietGap...
Theo ông Nguyễn Công Hoàng – Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản, để đánh thức tiềm năng, nhất là những vùng đất cát hoang hóa, bỏ hoang, tỉnh đã điều chỉnh bổ sung quy hoạch, đồng thời có chính sách thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư nuôi tôm công nghệ cao. Từ đó, xuất hiện nhiều vùng nuôi tôm thâm canh, công nghệ cao trên cát.
Nhiều mô hình nuôi tôm ở Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Kỳ Anh... được đầu tư bài bản, quy mô lớn đã mang hiệu quả kinh tế cao. Hiện, toàn tỉnh có 805 ha nuôi tôm thâm canh, công nghệ cao trên cát; đặc biệt, đã hình thành được 6 vùng nuôi tôm VietGap với quy mô 150 ha, 14 mô hình nuôi an toàn sinh học.
Gọi vùng nuôi tôm công nghệ cao ở xã Xuân Phổ (Nghi Xuân) là điển hình thì HTX Nuôi trồng thủy sản Xuân Thành là “điểm sáng" nuôi tôm công nghệ cao trên cát, an toàn sinh học. Mô hình có năng suất tôm cao nhất tỉnh, bình quân đạt 30 – 35 tấn/ha, thu về hàng chục tỷ đồng/vụ. Anh Hồ Quang Dũng - Giám đốc Kỹ thuật HTX Nuôi trồng thủy sản Xuân Thành, cho biết: Toàn bộ diện tích hơn 12 ha được chia thành 31 ao nuôi và 3 ao gièo. Tôm giống vận chuyển về sẽ được thả vào ao gièo nuôi khoảng một tháng, khi hoàn toàn khỏe mạnh mới được thả ra ao nuôi.
Tôm nuôi công nghiệp an toàn sinh học, quy trình VietGap có giá trị kinh tế cao.
“Để đạt được năng suất cao, HTX không chỉ tuân thủ nghiêm ngặt về quy trình cải tạo ao đầm mà chất lượng con giống đặc biệt được chú trọng. Con giống phải có kích cỡ đồng đều, được cơ quan chuyên ngành kiểm dịch. Trước khi thả, phải tiến hành kiểm tra các yếu tố môi trường như độ pH, độ kiềm, độ mặn... kịp thời phát hiện, điều chỉnh thích hợp, tránh gây sốc cho tôm” – anh Dũng cho biết thêm.
Nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đã tạo được sức lan tỏa, chuyển mạnh từ hình thức nuôi nông hộ, quy mô nhỏ sang doanh nghiệp, tổ hợp tác, HTX. Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành 40 HTX, tổ hợp tác và 10 doanh nghiệp tham gia đầu tư nuôi tôm công nghiệp.
Sau 10 năm thực hiện nghị quyết “tam nông”, năng suất tôm nuôi bình quân của tỉnh hiện đạt 1,75 tấn/ha/năm (tăng 48,6% so với năm 2008), riêng nuôi thâm canh cho năng suất vượt trội từ 10 - 20 tấn/ha; sản lượng đạt trên 3.800 tấn (tăng 60%), giá trị sản phẩm tôm đóng góp 38,9% tổng giá trị sản xuất của ngành thủy sản.
Tiếp tục nhân rộng và phát triển nuôi tôm thâm canh, công nghệ cao trên cát để mang hiệu quả, bền vững cho nghề nuôi tôm
Ông Lê Đức Nhân – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cho biết: Mục tiêu đề án tái cơ cấu ngành NN&PTNT theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, đến năm 2020, tỉnh phát triển 3.050 ha nuôi tôm; sản lượng đạt trên 30.000 tấn.
“Tiếp tục nhân rộng và phát triển mô hình nuôi tôm thâm canh, công nghệ cao trên cát, an toàn sinh học theo quy trình VietGAP là hướng đi đầy triển vọng cho các vùng nuôi tôm hiện nay. Theo đó, chính quyền các cấp cần tạo điều kiện trong việc cho thuê đất, mặt nước và có chính sách hỗ trợ, đầu tư xây dựng hạ tầng vùng nuôi để áp dụng hình thức nuôi tôm công nghiệp, an toàn sinh học, góp phần đưa nghề nuôi tôm trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững” – ông Nhân nói thêm.