Trang chủ / Blog / Luật Thủy Sản 2017: Bước Ngoặt Của Ngành Thủy Sản

Luật Thủy Sản 2017: Bước Ngoặt Của Ngành Thủy Sản


Nhằm đáp ứng sự phát triển ngành thủy sản trong thời kỳ hội nhập, Luật Thủy sản 2017 (sửa đổi, bổ sung Luật Thủy sản 2003) được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 11/2017 và đã chính thức ban hành. So với năm 2003, Luật Thủy sản 2017 có những thay đổi đáng kể. 


Thưa Vụ trưởng, Luật Thủy sản 2017 ngay từ khi dự thảo xin ý kiến và thông qua được đánh giá là bước ngoặt của ngành thủy sản. Vậy “bước ngoặt” ở đây là những gì?

Vụ trưởng Phan Thị Huệ: Thứ nhất, Luật đã tạo khung pháp lý điều chỉnh toàn diện các hoạt động trong lĩnh vực thủy sản để chuyển nghề cá của Việt Nam từ nghề cá nhân dân dân sang nghề cá có trách nhiệm và phát triển bền vững. Thứ hai, tạo khung pháp lý để nghề cá Việt Nam dần đáp ứng yêu cầu quốc tế, phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập, đồng thời vận dụng quy định của các điều ước, tập quán quốc tế và luật pháp nước ngoài phù hợp với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, thực tiễn của hoạt động thủy sản trong nướcvà xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng của ngành thủy sản Việt Nam. Thứ ba, tạo khung pháp lý để thực hiện xã hội hóa một số dịch vụ công, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh trong hoạt động thủy sản; phân cấp tối đa cho địa phương thực hiện cấp phép, chứng nhận trong hoạt động thủy sản.

Những điểm mới của Luật Thủy sản 2017 so với Luật năm 2003 là gì, thưa Vụ trưởng?

Vụ trưởng Phan Thị Huệ: So với Luật Thủy sản năm 2003, Luật Thủy sản năm 2017 có nhiều nội dung mới với những điểm mới cơ bản như:

Quy định về đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Điều 10). Đây là nội dung mới so với Luật Thủy sản năm 2003, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho Nhà nước thực hiện chia sẻ, giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khuyến khích người dân, hội, hiệp hội… tham gia cùng với chính quyền cơ sở quản lý hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Quy định này nhằm nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, từng bước thực hiện chủ trương xã hội hóa, tăng cường vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong quản lý hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản.  

Quy hoạch về bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản (Điều 11 và 12): Luật khẳng định: Định kỳ 5 năm Bộ NN&PTNT thực hiện điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản để bảo vệ và khai thác có hiệu quả, bền vững nguồn lợi thủy sản.

Quy định về Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại Điều 21 và khuyến khích thành lập Quỹ cộng đồng (Điều 22): Luật xác định rõ quỹ gồm 2 cấp: Quỹ trung ương và cấp tỉnh. Theo đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT quyết định thành lập quỹ ở trung ương; Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập quỹ cấp tỉnh căn cứ nhu cầu và nguồn lực huy động của địa phương. Cùng đó, để tăng cường nguồn lực từ cộng đồng, Luật quy định khuyến khích thành lập Quỹ cộng đồng để hỗ trợ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại cộng đồng.

Về nuôi trồng thủy sản (Chương III, từ Điều 23 đến Điều 47): Luật quy định cụ thể về việc quản lý giống thủy sản, thức ăn và sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản theo hướng quản lý hệ thống, kiểm soát đầu vào từ điều kiện cơ sở và chứng nhận đủ điều kiện trước khi hoạt động. Luật khẳng định: Nuôi trồng thủy sản bằng lồng, bè hoặc thủy sản nuôi chủ lực phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh. Ngoài ra, Luật quy định về điều kiện đối với việc nuôi trồng thủy sản không vì mục đích làm thực phẩm; cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đối với cơ sở nuôi trồng thủy nếu chủ cơ sở yêu cầu.

Cùng đó, Luật khẳng định nuôi trồng thủy sản trên biển phải được cấp phép và được thẩm quyền giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản; thời hạn giao khu vực biển được nâng lên là 30 năm và được gia hạn tối đa là 20 năm.

Ngoài ra, Luật Thủy sản 2017 còn quy định cụ thể về việc cấp phép khai thác thủy sản (Điều 49); Quản lý tàu cá, cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá (Điều 62 đến Điều 85); Quy định về xã hội hóa đăng kiểm tàu cá: Cùng đó là quy định về Kiểm ngư (Chương VI từ Điều 89 đến Điều 95)…

Về lĩnh vực khai thác, Luật Thủy sản 2017 có những quy định chặt chẽ phù hợp với yêu cầu của nhiều thị trường, nhất là về IUU. Vụ trưởng có thể chia sẻ thêm về điều này? Và theoVụ trưởng, ngư dân cần chú ý những gì?

Vụ trưởng Phan Thị Huệ: Các nội dung có liên quan đến khuyến nghị của EC về IUU được thể hiện trong quy định về khai thác thủy sản như sau:

- Quy định về hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản trên biển. Hạn ngạch được xác định trên cơ sở kết quả điều tra, đánh giá trữ lượng nguồn lợi thủy sản; xu hướng biến động nguồn lợi thủy sản; tổng sản lượng thủy sản tối đa cho phép khai thác bền vững; cơ cấu nghề, đối tượng khai thác, vùng biển khai thác; sản lượng cho phép khai thác theo loài đối với loài thủy sản di cư xa hoặc loài thủy sản có tập tính theo đàn.

- Một trong số các điều kiện để tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác thủy sản là: còn hạn ngạch giấy phép, đối với tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và chỉ được cấp lại giấy phép khi đã nộp nhật ký khai thác theo quy định và tàu cá không thuộc danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp do Bộ NN&PTNT công bố.

- Luật khẳng định thu hồi giấy phép trong trường hợp khai thác thủy sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam.

- Tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản phải treo Quốc kỳ của Việt Nam trên tàu cá khi hoạt động; đánh dấu tàu cá theo vùng biển, đánh dấu ngư cụ đang sử dụng tại ngư trường theo quy định; ghi, nộp báo cáo, nhật ký khai thác thủy sản; khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam được Bộ NN&PTNT chấp thuận đối với tàu cá khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức nghề cá khu vực; được cơ quan có thẩm quyền của quốc gia, vùng lãnh thổ có biển cho phép hoặc được tổ chức quản lý nghề cá khu vực cấp hạn ngạch cho Việt Nam...

- Luật quy định rõ việc xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác; quy định 14 hành vi được coi là hành vi khai thác bất hợp pháp.

Để thực hiện được mục tiêu chuyển từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm và phát triển bền vững ngư dân cần thực hiện đúng các quy định của pháp luật về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định như: không khai thác trái phép ngoài vùng biển Việt Nam; chấp hành nghiêm quy định về vùng, ngư cụ, nghề khai thác, đánh dấu tàu cá; ghi, nộp nhật ký khai thác, báo cáo khai thác theo quy định; lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định...

Vụ trưởng có thể cho biết thêm là khi Luật Thủy sản 2017 đi vào thực tế, sẽ có những Nghị định, Thông tư hướng dẫn nào đi kèm?

Vụ trưởng Phan Thị Huệ: Căn cứ các nội dung được giao trong Luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 390/QĐ-TTg ngày 11/4/2018 v/v ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Lâm nghiệp và Luật Thủy sản, sẽ có 03 Nghị định, 10 Quyết định của Thủ tướng và 09 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản trong thời gian tới.