Nắng Nóng, Nhiều Hộ Nuôi Tôm Lâm Cảnh Lao Đao
Hàng chục hộ dân với hàng trăm héc ta đầm nuôi tôm sú đang trong thời kỳ thu hoạch ở các xã Hoằng Phong, Hoằng Châu (huyện Hoằng Hóa) bỗng chết như ngả rạ, khiến người nuôi hoang mang, lo lắng, thậm chí lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần.
Nhiều hộ nuôi tôm lâm cảnh trắng tay.
Khóc cạn trên những đồng tôm
Trở về với đồng tôm của bà con nhân dân xã Hoằng Châu những ngày đầu tháng 7 này, cái nắng gay gắt như thiêu như đốt, một mùi hôi tanh nồng nặc do tôm chết từ ao, đầm bốc lên. Đâu đó, trong các chòi tôm vẫn còn một vài lão nông mình trần ngồi thẫn thờ nhìn xa xăm... Tiến lại chòi tôm của gia đình ông Hoàng Ngọc Anh (thôn 11, xã Hoằng Châu). Ông Anh vẻ mặt buồn rười rượi rít chậm điếu thuốc lào rồi thở dài mà rằng: “Khoảng giữa tháng 6, đồng tôm nhà tôi có hiện tượng tôm chết bất thường, chết rải rác, rồi 1 tuần sau thì chết trắng. 3 ha tôm giờ mất trắng, thiệt hại khoảng hơn 200 triệu đồng... chắc bỏ nghề thôi chứ nợ nần còn chưa trả hết, tiền đâu mà gối vụ!”
Theo lãnh đạo chính quyền xã Hoằng Châu phân tích, thì số lượng tôm chưa thu hoạch dưới đồng còn khoảng 4 tạ/ha, với giá bán trung bình 200.000 đồng/kg, ước tính thiệt hại lên tới nhiều tỷ đồng. Nhiều chủ đầm nuôi tôm bỗng lâm cảnh nợ nần, khốn đốn vì bỏ lượng vốn lớn để cải tạo ao nuôi, mua con giống...
Ông Lê Ngọc Đức - Chủ tịch Hiệp hội Nuôi trồng thủy sản xã Hoằng Châu cho biết: "Đã có tình trạng tôm sú của người dân trong xã chết bất thường xảy ra trong hai tuần trở lại đây. Lúc đầu tôm chết rải rác với số lượng ít ở một số ao nuôi nhưng đến nay đã lan rộng hầu hết số ao nuôi. Thống kê thì số tôm bị chết có đầm chiếm đến hơn 90%”.
Được biết, xã Hoằng Châu có 147 hộ tham gia nghề nuôi tôm sú với tổng diện tích ao nuôi tôm là 480 ha, trong đó toàn bộ 427ha nuôi tôm phía ngoài đê của người dân đã xảy ra hiện tượng tôm chết bất thường.
Không chỉ xã Hoằng Châu, mà xã Hoằng Phong với hơn 100ha, tình trạng tôm chết cũng tương tự.
Theo anh Nguyễn Đình Bình, xã Hoằng Phong: Gia đình anh có tổng hơn 3ha nuôi tôm tập trung thời gian được hơn 3 tháng. Hiện tượng tôm chết đã xảy ra khoảng 1 tuần nay. Ban đầu, lượng tôm chết rải rác rồi trôi dạt vào bờ, thân nổi đốm đỏ... Vì nghĩ do nắng nóng nên tiếp tục để theo dõi thêm. Tuy nhiên, những ngày về sau tôm chết một cách đồng loạt. Đến nay toàn bộ 3 ha đồng tôm của gia đình anh Bình đã chết gần như toàn bộ.
Không những tôm chết, mà cua cũng có nguy cơ chết vì ao đầm ô nhiễm, cua ăn thịt tôm chết khả năng cũng sẽ lây lan dịch bệnh. Người dân nuôi tôm xã Hoằng Châu mong cơ quan chức năng sớm tìm ra nguyên nhân vì sao tôm chết hàng loạt để khuyến cáo cho bà con biết, rút kinh nghiệm vụ nuôi lần sau, đồng thời có biện pháp phòng dịch bảo vệ số lượng cua nuôi. Để tiếp tục được duy trì ngành nghề, bà con Hoằng Châu nói riêng, mong có sự hỗ trợ đến từ các cấp chính quyền, đặc biệt là hệ thống các ngân hàng để bà con được giãn nợ, được vay mới đầu tư.
Tôm chết do thời tiết nắng nóng
Trước thực trạng trên, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Sở NN&PTNT Thanh Hóa đã cử cán bộ về các xã ghi nhận tình trạng tôm chết hàng loạt và lấy mẫu nước trong một số ao nuôi tôm để đưa đi giám định, truy tìm nguyên nhân tôm chết hàng loạt ở các xã này.
Đến ngày 2/7, Sở NN&PTNT Thanh Hóa đã có báo cáo số 2130 về việc tôm sú quảng canh xã Hoằng Châu bị chết gửi Chủ tịch UBND tỉnh.
Theo đó, tình trạng tôm chết diễn ra từ ngày 20/6 đến 2/7, tổng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại là 90 ha/435 ha, tỷ lệ chết 60%. Nguyên nhân tôm chết được xác định, tôm nuôi có mang mầm bệnh đốm trắng, khi điều kiện môi trường thay đổi, đặc biệt thời tiết nắng nóng, nhiệt độ nước cao, khiến bệnh đốm trắng bùng phát.
Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh đốm trắng trên tôm nuôi nước lợ, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát, lây lan trên diện rộng, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi trồng thủy sản, Sở NN&PTNT khuyến cáo, trước mắt cần tổ chức tập trung lực lượng nhanh chóng dập tắt dịch bệnh ngay ở diện hẹp, tiến hành các biện pháp tiêu độc khử trùng khu vực nuôi tôm bị bệnh.
Những ao có tôm đạt kích cỡ thương phẩm, cần thu hoạch ngay để tránh thiệt hại. Đối với những ao tôm nuôi chưa đạt kích cỡ thương phẩm thì tiến hành khử trùng ao nuôi bằng Clorine 30ppm (30g/m3 nước), vôi bột (CaO) hoặc hóa chất có công dụng tương đương có trong Danh mục thú y, hóa chất dùng trong thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam. Nước khử trùng sau 05 ngày mới được xả ra môi trường. Tuyệt đối không lấy thêm nước từ ngoài hệ thống cấp nước chung vào nuôi khi chưa xác định được nguồn nước an toàn.
Các hộ nuôi cần có biện pháp xử lý bùn đáy ao đảm bảo không còn mầm bệnh. Sử dụng vôi bột (CaO) rải xung quanh bờ ao, đóng chặt cống cấp và thoát nước; quây lưới xung quanh bờ ao đế ngăn chặn xâm nhập của cua, còng, cá; làm hình nộm để đuổi chim, cò vào ao. Hạn chế người ra vào ao của các hộ có dịch, đồng thời thông báo cho các hộ nuôi xung quanh được biết về tình hình, diễn biến dịch bệnh trên địa bàn để các hộ biết và phòng, chống dịch lây lan.
Để chủ động trong công tác phòng tránh dịch bệnh lây lan, Chi cục Thú y phối hợp với Phòng Nuôi trồng thủy sản của Sở NN&PTNT phân công cán bộ bám sát địa bàn để theo dõi tình hình, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.