Trang chủ / Blog / Nghệ An: Để Ngư Dân Khai Thác Thủy Sản Thông Thái

Nghệ An: Để Ngư Dân Khai Thác Thủy Sản Thông Thái


Kể từ ngày được các lực lượng chức năng tuyên truyền về các quy định bắt buộc khi hoạt động đánh bắt hải sản trên biển, các ngư dân tại xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An luôn chuẩn bị đầy đủ các thủ tục cần thiết, bảo đảm cho chuyến biển an toàn và thắng lợi.

 

Một ngư dân cho biết, việc đăng ký ra vào bến, địa điểm ngư trường hoạt động của phương tiện để các ngành chức năng quản lý là rất cần thiết; giúp cơ quan chức năng theo dõi nguồn gốc khai thác hải sản, vùng biển, nhật ký đánh bắt, sản lượng đánh bắt và phân loại hải sản; đồng thời, giúp việc cứu hộ, cứu nạn kịp thời, nhanh chóng khi tàu và thuyền viên gặp sự cố bất khả kháng trên biển. Việc ghi nhật ký, chứng minh nguồn gốc thủy sản, ngư trường đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho ngư dân, nhất là sản phẩm bán ra dễ hơn, giá bán cao hơn.

Là một trong những địa phương có đội tàu khai thác xa bờ lớn nhất huyện Quỳnh Lưu và tỉnh Nghệ An, các ngành chức năng tại xã Tiến Thủy đã phối hợp Bộ đôi Biên phòng và các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, quản lý điều hành, nhất là tuyên truyền cho các chủ phương tiện khai thác đúng ngư trường theo hướng dẫn; quá trình hoạt động của tàu phải ghi nhật ký khai thác đầy đủ… Tín hiệu đáng mừng, sau một thời gian ngắn, thông qua tuyên truyền, hướng dẫn, bà con đã tuân thủ rất nghiêm ngặt.

Cùng đó, Bộ đội Biên phòng Nghệ An cũng tăng cường mở đợt cao điểm tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các cửa sông, cửa lạch khu vực biên giới biển địa bàn Nghệ An và tổ chức các buổi tuyên truyền tập trung; cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận đã trực tiếp đến từng tàu, gặp gỡ các chủ phương tiện, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là các quy định khi hành nghề đánh bắt trên biển. Bên cạnh việc hướng dẫn ngư dân ghi nhật ký đánh bắt hải sản thì việc giám sát vi phạm nghề cá cũng được Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận phối hợp lực lượng chức năng chú trọng. Theo đó, các phương tiện khi xuất cảng đều phải có đầy đủ thủ tục, nếu không sẽ bị từ chối ra biển. Cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát tại các cửa sông, cửa lạch luôn kiểm tra chặt chẽ việc chấp hành của bà con, nhất là nhật ký khai thác, các thiết bị giám sát hành trình, thiết bị an toàn, các ngư lưới cụ… của các tàu thuyền ra vào cửa lạch.

Để ngư dân nắm bắt và hiểu rõ các quy định khi hành nghề trên biển, Đồn Biên phòng cảng Cửa Lò - Bến Thủy còn phối hợp địa phương tổ chức các buổi tuyên truyền tại các phường, xã để thông tin cụ thể những nội dung, quy định về hành nghề trên biển đối với các ngư dân và các hộ gia đình có người thân tham gia hành nghề trên biển, qua đó từng bước nâng cao vai trò, trách nhiệm trong hoạt động khai thác hải sản trên biển.

Công tác đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền cho ngư dân cũng được Chi cục Thủy sản Nghệ An thực hiện có hiệu quả. Thông tin từ Chi cục cho biết, đơn vị đã thành lập 3 tổ xuống địa bàn các xã ven biển của huyện Quỳnh Lưu phối hợp với chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng để thực hiện công tác đăng ký, đăng kiểm. Cùng đó, truyền truyền, vận động bà con ngư dân tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ triển khai đăng ký, đăng kiểm. Kết quả, sau hơn 1 tháng, các tổ đã đăng ký, đăng kiểm được 614/730 tàu tại các xã: Tiến Thủy, Quỳnh Long, Quỳnh Thuận, Quỳnh Ngọc, Quỳnh Thọ, Sơn Hải và An Hòa của huyện Quỳnh Lưu.