Phát Triển Thủy Sản: Cần Công Nghệ Thông Minh
Tại diễn đàn về công nghệ thông minh phục vụ nuôi trồng thủy sản do Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức ở Cần Thơ vừa qua, PGS.TS Phạm Ngọc Tuấn có bài đề dẫn nêu lên khá toàn diện vấn đề. Trong đó, nhấn mạnh ở tương lai không xa, thủy sản phục vụ con người chủ yếu là nuôi trồng chứ không phải đánh bắt và do đó, công nghệ thông minh nuôi trồng thủy sản là cơ hội đầu tư hứa hẹn nhất của thế kỷ 21.
Văn minh là nuôi trồng
Ngành nuôi trồng thủy sản thế giới đã phát triển vượt bậc trong hai thập niên qua. Nuôi trồng sử dụng 23 triệu nhân công (16 triệu trực tiếp, 7 triệu gián tiếp). Trong đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm 88,5% sản lượng toàn cầu. Đến năm 2030, dự kiến thế giới cần 232 triệu tấn thủy sản, gấp 3,3 lần năm 2012. Giai đoạn 2010 - 2021, tăng trưởng nuôi trồng thủy sản đến 33%, còn tăng trưởng đánh bắt thủy sản chỉ 3%.
Nên ông Jacques-Yves Cousteau (nhà sinh thái học, nhà nghiên cứu biển và các dạng sinh vật sống trong nước) đã nói: “Với biển chúng ta phải nuôi trồng như nông dân chứ không phải đánh bắt. Văn minh là nuôi trồng chứ không phải đánh bắt”.
Riêng về con tôm, đến năm 2020, tổng nhu cầu tôm nuôi toàn cầu là 6,55 triệu tấn; trong lúc cung chỉ đạt khoảng 4,49 triệu tấn, thiết hụt 2,06 triệu tấn. Điều này cho thấy cơ hội phát triển ngành nuôi tôm Việt Nam, để đáp ứng sự thiếu hụt của thế giới gấp 3 lần tổng sản lượng tôm xuất khẩu hiện nay của Việt Nam. Trong lúc, điều kiện tự nhiên, thời tiết khí hậu (đặc biệt vùng ĐBSCL) rất phù hợp để nuôi tôm.
Hiện, ngành tôm Việt Nam đã thâm nhập được hơn 160 thị trường trên thế giới. Định hướng phát triển trở thành một công xưởng sản xuất tôm của thế giới và ĐBSCL phải là “thủ phủ” của ngành công nghiệp nuôi trồng và chế biến tôm chất lượng cao. Ngành tôm trở thành ngành chủ lực trong nông nghiệp Việt Nam và trở thành ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, kế hoạch đến năm 2025 đạt khoảng 10% GDP cả nước và kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD.
Những thách thức lớn
Ngành nuôi tôm Việt Nam cũng như cả ngành nuôi trồng thủy sản đang đứng trước những thách thức nặng nề. Trước hết, biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp: Gần 1 triệu ha của 8 tỉnh ven biển ở ĐBSCL bị xâm nhập mặn gay gắt. Tiếp theo là ô nhiễm môi trường: Khoảng 80% diện tích nuôi tôm ở ĐBSCL là tự phát, quy mô nhỏ, thiếu quy hoạch nên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và xã hội. Môi trường ô nhiễm sinh ra dịch bệnh dai dẳng, đôi khi bùng phát gây thiệt hại nặng nề. Từ đó, lại dẫn đến vấn nạn sử dụng kháng sinh tràn lan, bị các đối tác như Nhật, EU báo động “đỏ”.
Phần lớn diện tích nuôi tôm đều dùng kháng sinh. Các chuyên gia đã chỉ ra, kháng sinh là một nguy cơ rất lớn đến sức khỏe của cả dân tộc nếu không được kiểm soát tốt. Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, thẳng thắn: “Kháng sinh bán tràn lan, cộng thêm tôm bệnh nhưng không ai hỗ trợ nông dân. Dịch bệnh tôm đã xảy ra mấy năm nay nhưng cơ quan quản lý vẫn chưa tìm được liều thuốc phòng trị nên tỷ lệ nuôi tôm thành công ở Việt Nam chỉ 30 - 35%, trong khi Ấn Độ, Thái Lan trên 70%. Giá thành tôm Việt Nam luôn cao hơn các nước xuất khẩu khác 1 - 3 USD/kg. Và để giảm giá thành, nhiều doanh nghiệp tăng cường sử dụng kháng sinh, hóa chất trong nuôi trồng, bảo quản tôm”.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nói: “Mục tiêu 10 tỷ USD của ngành tôm đến năm 2025 là hết sức khó khăn, đòi hỏi có sự nỗ lực lớn. Ngay từ bây giờ, chúng ta phải mạnh dạn đột phá vào khoa học công nghệ và tổ chức lại sản xuất tốt, để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị ngành tôm”.
Công nghệ thông minh
Để phát triển bền vững, các chuyên gia chỉ ra, phát triển diện tích nuôi, tăng sản lượng, tăng giá trị cho người nuôi và gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Áp dụng, đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào giải quyết các vấn đề từ sản xuất giống, xử lý nguồn nước, nuôi và thu hoạch đạt hiệu quả cao nhất cả về kinh tế lẫn bảo vệ hệ sinh thái, phục hồi môi trường.
Cuộc cách mạng nông nghiệp lần thứ tư đã có 31 nhóm công nghệ; trong đó có các công nghệ nuôi trồng thủy sản 4.0. Công nghệ đưa đến những khái niệm nông nghiệp hiện đại như: Nông nghiệp chính xác (precision), Nông nghiệp thông minh với khí hậu (Climate Smart Agriculture - CSA), Nông nghiệp số (digital), Nông nghiệp bảo tồn (conservation), Nông nghiệp điện tử (e-Agriculture), Nông nghiệp di động (mAgriculture), Nông nghiệp xanh (bền vững, hữu cơ, các bon thấp, xanh da trời-green, sustainable, organic, low carbon, blue).
Xuất hiện các nền kinh tế hiện đại có giá trị rất lớn, dự kiến vào năm 2020: Nền kinh tế sáng tạo (hơn 5.000 tỷ USD), Nền kinh tế số (2.900 tỷ USD), Nền kinh tế IoT (1.000 tỷ USD). Trong đó, công nghệ tiên tiến phục vụ nuôi trồng thủy sản, xu hướng và thực tiễn ứng dụng đã có những bước tiến vượt bậc so với dăm năm trước.
Ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, cần kể đến hai công nghệ được ứng dụng đã đưa đến những thay đổi to lớn. Internet của vạn vật, giúp con người thực hiện được nhiều công việc dưới nước mang tính đặc thù để ngành nuôi trồng thủy sản mang tính công nghiệp. Chuỗi khối (Blockchain) xác minh tính bền vững, cải thiện tính minh bạch trong suốt chu kỳ sống/vòng đời từ lúc nuôi trồng đến sản phẩm trên bàn ăn; mở ra cơ hội cho các giao dịch giữa các nhà nuôi trồng, cung ứng và người mua diễn ra nhanh chóng, an toàn.