Phía Sau Thực Trạng Ngành Tôm Thế Giới
Sự lao dốc gần như “không phanh” của giá tôm toàn cầu thời gian gần đây đã khiến thị trường tôm gần như đảo lộn. Một số chuyên gia lo ngại giá tôm sẽ chạm đáy và ngành tôm toàn cầu chính thức bước vào một đợt khủng hoảng mới và tồi tệ nhất trong lịch sử kể từ sau đại dịch EMS.
Tuy nhiên, ít ai nghĩ rằng nguyên nhân sâu xa dẫn đến cuộc khủng hoảng giá tôm hiện nay lại chính là dịch EMS/AHPND tại Đông Nam Á xảy ra cách đây vài năm. Đúng như dự đoán của các chuyên gia tại Hội nghị Thị trường Thủy sản toàn cầu 2018 (GSMC) tại Miami, Mỹ vào đầu năm 2018, thách thức của ngành tôm 2018 sẽ không phải là dịch bệnh mà chính là hệ lụy của các đợt cao trào sản xuất.
Tất cả những gì xảy ra khi ngành tôm sau biến cố đại dịch bệnh đó chính là giá sẽ tăng như một lẽ hiển nhiên. Và khi giá tăng cao sẽ dẫn tới nguy cơ đầu cơ tích lũy, mà cụ thể ở ngành tôm đó là nông dân gia tăng sản xuất, đua nhau mở rộng trại nuôi bất chấp chi phí đầu vào tăng cao hơn vì một niềm tin rằng “thị trường sẽ bù lại những chi phí này”. Đó chính là lý do dẫn đến tình trạng nguồn cung dư thừa. Hậu quả, thị trường đang tự điều chỉnh theo cách giảm giá tôm xuống mức thấp, trái với kỳ vọng các các nước nuôi tôm trước đó. Điều này buộc ngành tôm thời gian tới phải thay đổi lại cách thức sản xuất, nói cách khác là cần một sự “cải tổ” để có thể tồn tại và tiếp tục phát triển.
Trong cơn bão khủng hoảng giá của ngành tôm, một số chuyên gia thị trường tại các vùng nuôi tôm chính đã từng nghĩ đến giải pháp hướng về thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, thật hoang đường khi cho rằng Trung Quốc là một thị trường khổng lồ có sức tiêu thụ tất cả lượng tôm mà thế giới sản xuất. Cần phải nhớ rằng, Trung Quốc vốn sản xuất tôm chỉ đủ để phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu 300.000 tấn vào năm 2009. Khi EMS ập đến, ngành tôm Trung Quốc mới lao dốc và họ bắt đầu phải nhập khẩu tôm để bù lại sản lượng bị hao hụt do EMS. Thực tế, hiện nay Trung Quốc đang kìm hãm sức mua với sản phẩm tôm nhập khẩu.
Trong khi tại châu Mỹ, tiêu thụ tôm đang tăng trưởng khoảng 2%/năm, tại Nhật Bản cũng có xu hướng giảm còn tình hình tiêu thụ tôm tại châu Âu vẫn giậm chân tại chỗ. Sự tăng trưởng gần như là duy nhất trên thế giới ở các nền kinh tế định hướng nhập khẩu là Mỹ và Trung Quốc. Do đó, đừng kỳ vọng sẽ bán được tôm bằng bất cứ giá nào vì điều này khó xảy ra.
Ngay lúc này, có một vài ý kiến về việc quay trở lại đối tượng tôm sú như những năm 1990. Tuy nhiên, đây không phải là một giải pháp mà chỉ là một sự lựa chọn, nên chắc chắn nó không thể giúp người nuôi tôm hiện nay thoát khỏi khó khăn. Dĩ nhiên, ngành tôm cần sự thay đổi, nhưng chủ yếu là hướng đến bền vững và thân thiện môi trường. Còn với khủng hoảng hiện nay, người nuôi tôm cần bình tĩnh và ổn định sản xuất bởi đó chỉ là hệ lụy của một diễn biến đã khá quen thuộc trên thị trường.