Trang chủ / Blog / Tham Vọng Vươn Khơi Của Ngành Thủy Sản Trung Quốc

Tham Vọng Vươn Khơi Của Ngành Thủy Sản Trung Quốc


Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu, thiết lập 178 trại nuôi thủy sản thí điểm ngoài khơi đến năm 2025. Hiện, các công ty đóng tàu và khai thác dầu khí nước này đang nỗ lực góp sức thực hiện mục tiêu đầy tham vọng này của Chính phủ.

CÔNG TY CỔ PHẦN THỦY SẢN CHÂU ÂU


Nỗ lực “bình dân hóa”

Tại Trung Quốc, hầu hết người nuôi thủy sản là công ty nhỏ hoặc tư nhân, bởi vậy họ không thể đầu tư những khoản tiền khổng lồ cho thiết bị nuôi trồng, Michelle Wang Ming, Giám đốc tài chính tại CIMC Blue, công ty con của CIMC Raffles, một hãng đóng tàu lớn nhất Trung Quốc cho biết tại Hội nghị triển lãm thủy sản và khai thác tại Trung Quốc (CFSE). Theo Michelle Wang Ming, cái khó của doanh nghiệp nuôi thủy sản là chưa sẵn sàng bỏ ra 100 triệu USD để mua lồng nuôi cá ngoài khơi.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn nỗ lực “bình dân hóa” các mô hình nuôi cá ngoài khơi để đạt mục tiêu sản lượng thủy sản đã đề ra. Điển hình, Blue Whale 1 là nỗ lực của CIMC Blue để các lồng nuôi cá biển ngoài khơi phù hợp với túi tiền của các hãng NTTS hơn. Được thiết kế để lắp đặt tại vùng biển Hoàng Hải, nơi có mực nước biển rất nông, lồng nuôi cá ngoài khơi của CIMC Blue có 4 trụ kiên cố đặt thẳng đứng trên bề mặt đáy biển. Kinh phí đầu tư 40 triệu CNY (5,85 triệu USD), chỉ bằng 1/10 chi phí lắp đặt SalMar’s Ocean Farm 1 trước đó. Blue Whale 1 có thiết bị máy kéo thu hoạch tự động, đồng thời trang bị cảm ứng để giám sát cá. Blue Whale 1 có sức chứa 60.000 m3 nước, chi phí hoạt động 700 - 800 CNY/m3 nước. Ông Ming chia sẻ, chi phí tính theo mỗi m3 nước là yếu tố quan trọng nhất của một lồng nuôi cá biển ngoài khơi, nhờ đó Blue Whale 1 có sức cạnh tranh lớn nhất trên thị trường.


Mở kỷ nguyên mới

Thiết kế thứ 2 của CIMC Blue đó là một giải pháp ghép 3 lồng nuôi đa loài, với sức chứa 27.000 m3 nước, chi phí hoạt động trên mỗi m3 nước cao hơn nhưng  linh hoạt hơn với nông dân. Hệ thống này cũng được thiết kế thẳng đứng trên mặt đáy biển. Trong khi, hãng đóng tàu này cũng xây dựng 26 trạm nổi mini cho nông dân tạm tá túc hoặc làm nơi bảo quản các thiết bị nuôi. CIMC Blue cũng tích cực quảng bá những thiết bị nói trên tại sự kiện CFSE vào đầu tháng 11.

Khi CIMC Blue học hỏi theo các thiết kế của ngành khai thác dầu khí, thì một hãng thiết kế De Maas tại Thanh Đảo lại xây dựng lồng nuôi cá ngoài khơi theo cách riêng mà không hề dựa theo những kinh nghiệm có sẵn từ các ngành khác. Đồng sáng lập De Maas, ông Philip Schreven chia sẻ, các lồng nuôi cá ngoài khơi của De Maas ít sử dụng vật liệu thép nên giảm đáng kể chi phí. Nhờ đó, De Maas có thể sản xuất lồng nuôi cá chỉ 650 CNY/m3 nước, theo Schereven, rẻ hơn thiết bị của Blue Whale. Hiện, hãng này đang xây dựng lồng ngoài khơi công suất 150.000 m3 nước tương tự thiết kế lồng nuôi cá lù đù vàng tại hãng đóng tàu Mawei ở Phúc Kiến. Một trong những đặc trưng nổi bật nhất của lồng nuôi cá tại De Maas đó là lồng chìm nên tránh được các đợt sóng lớn khi có bão.

Tháng 9 vừa qua, hãng thủy sản Zhuhai Xinpingmao vừa ra mắt “Dehai 1” - một lồng nuôi cá ngoài khơi theo mô hình bán chìm ở vùng biển ngoài khơi tỉnh Quảng Đông. Lồng nuôi cá này dài 91,3 m và rộng 27,6 m, tương tự như một con tàu. Trong khi, hãng đóng tàu Thanh Đảo Tứ Xuyên vừa thiết kế và sản xuất xong mô hình lồng nuôi cá hồi Atlantic cho Rizhao Wangzefeng vào tháng 5 vừa qua. Thiết bị này nằm ngoài khơi Hoàng Hải, cách bờ đông TP Nhật Chiếu khoảng 150 km. Vào tháng trước, Wangzefeng chia sẻ trên tờ Xinhua News sẽ thu hoạch mẻ cá hồi đầu tiên để phục vụ Tết Nguyên đán tại Trung Quốc vào tháng 2 năm sau. Theo hãng này, cá hồi sống tốt suốt mùa hè nóng nực kéo dài nhiều tháng tại Trung Quốc vì khu vực đặt lồng cá có nhiệt độ nước lạnh rất thích hợp để cá hồi phát triển quanh năm.

Một thiết kế lồng ngoài khơi của Công ty Neptune Blue Ocean Development's (NBOD) đặt mục tiêu tận dụng tiềm năng vùng nước lạnh ở Bắc Hải để nuôi cá hồi. Được thành lập bởi doanh nhân Wang Lingyu, NBOD đặt kế hoạch thiết lập 8 lồng nuôi cá hồi bán chìm với chi phí 150 triệu USD. Các lồng nuôi cá của hãng này được thiết kế đặc biệt giúp cá hồi sống khỏe mạnh ở một độ sâu nhất định với sự hỗ trợ của các máy cấp ô xy và dưỡng khí.

Tháng 6/2018, 26 hãng đóng tàu và doanh nghiệp NTTS tại Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận khung tại Lingang, Thượng Hải để phát triển các trại nuôi cá được hoán cải từ tàu biển. Dự án này gồm các thiết kế tàu biển có sức chứa 80.000 m3 nước trong khoang trên tàu để nuôi cá hồi, cá ngừ, cá cam nhật bản hoặc cá lù đù vàng. Dường như, Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực để đưa ngành thủy sản vươn khơi, khẳng định tên tuổi trên bản đồ thủy sản nuôi biển thế giới trong một tương lai không xa.

Tham Vọng Vươn Khơi Của Ngành Thủy Sản Trung Quốc