Trang chủ / Blog / Thu Hàng Tỷ Đồng Từ Cá Lăng Nha Giống

Thu Hàng Tỷ Đồng Từ Cá Lăng Nha Giống


Cá lăng nha có giá trị kinh tế cao nên hiện nhiều hộ gia đình ở ĐBSCL đã phát triển mô hình nuôi đối tượng này để làm giàu. Khó khăn lớn nhất của họ là con giống bởi nguồn giống ngoài tự nhiên đang dần cạn kiệt.

CÔNG TY CỔ PHẦN THỦY SẢN CHÂU ÂU

Nhiều ngư dân thành công với mô hình nuôi cá lăng thương phẩm   Ảnh: CTV 


Triển vọng từ giống nhân tạo

Cá lăng nha hay cá lăng đuôi đỏ (Mystus wyckioides) là đối tượng có giá trị kinh tế cao; kích thước lớn; tốc độ tăng trưởng nhanh; thịt trắng, dai, ngon, không xương dăm và tương đối dễ nuôi. Cá thuộc khu hệ cá nhiệt đới, phân bố ở hầu hết các lưu vực của các nước Đông Nam Á như: Thái Lan, Myanmar, Indonesia, Lào, Campuchia và Việt Nam, nhưng rải rác và hiếm.

Ở Việt Nam, cá lăng nha thích hợp với khu vực ĐBSCL, nơi được hưởng nguồn nước ngọt của sông Tiền và sông Hậu. Vì giá trị kinh tế cao nên nhiều nông dân ở các tỉnh ĐBSCL đã khai thác cá lăng đuôi đỏ ngoài tự nhiên để nuôi thương phẩm. Tuy nhiên, việc khai thác quá mức cá lăng nha tự nhiên đã dẫn đến sản lượng loài này sụt giảm nhanh chóng. Để góp phần giảm áp lực của việc đánh bắt cũng như bảo vệ cá lăng nha trước nguy cơ tuyệt chủng, việc tạo ra con giống nhân tạo phục vụ cho nghề nuôi cá lăng nha thương phẩm là vấn đề đang được quan tâm.

Năm 2005, Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh đã cho sinh sản nhân tạo thành công giống cá lăng đuôi đỏ và chuyển giao công nghệ cho một số tỉnh như An Giang, Đồng Nai, Đắk Lắk, Kon Tum, Bình Định…

Từ 2008 - 2010, Trung tâm Giống thủy sản An Giang phối hợp Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh nghiên cứu và áp dụng thành công quy trình sinh sản nhân tạo giống và nuôi thương phẩm cá lăng nha đuôi đỏ, mở ra một hướng đi mới đầy triển vọng để nhân rộng mô hình nuôi cá lăng nha đuôi đỏ. Hiện nay, mỗi năm Trung tâm Giống thủy sản An Giang sản xuất và cung ứng khoảng 1 triệu con cá lăng nha đuôi đỏ giống cho thị trường.


Hướng làm giàu mới

Thay vì nuôi cá lăng thương phẩm, anh Nguyễn Trung Hiếu (32 tuổi, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) đã chọn hướng nuôi cá lăng sinh sản để bán cá giống. Anh Hiếu cho biết: “Do ở TP Hồ Chí Minh không có hồ lớn, sông có dòng chảy yếu, nước không sâu nên rất khó để làm nhà bè nuôi loại cá này lấy thịt. Vì vậy, tôi chọn cách nuôi cá lăng sinh sản rồi bán giống cá sẽ hiệu quả hơn”.

Tốt nghiệp Khoa thủy sản - Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, năm 2010, với số vốn 50 triệu đồng anh Hiếu đào ao nuôi cá lăng. Thời gian đầu tỷ lệ cá sinh sản rất thấp rồi chết hàng loạt khiến anh suýt phá sản. Không bỏ cuộc, anh tiếp tục vay mượn bạn bè, ngân hàng để dựng lại sự nghiệp. Sau thất bại, hiện anh có trong tay trại cá lăng rộng hơn 3 ha. Cá lăng anh Hiếu nuôi thuộc dòng lăng nha. Trang trại của anh chủ yếu cung cấp cho thị trường cả nước cá lăng nha bột (khoảng 7 ngày tuổi) và cá lăng nha giống (khoảng 20 ngày tuổi) với số lượng lên đến hàng trăm nghìn con/tuần. Giá bán cá bột là 100 đồng/con và cá giống là 2.000 đồng/con, mang về nguồn thu hơn 1 tỷ đồng mỗi năm.